Định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản Việt Nam

(24/03/2017 10:45:55 Sáng)

Việt Nam được xem là một trong những nước trong Khu vực và trên thế giới có nhiều lợi thế, tiềm năng cho phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS). Với 2 đồng bằng châu thổ rộng lớn (sông Cửu Long và sông Hồng) nằm ở 2 miền Nam Bắc; có 12 đầm phá và nhiều vũng vịnh chạy dọc ven biển miền trung; nhiều cửa sông lớn phân bố từ bắc vào nam và có hệ thống hồ chứa phong phú. Hội tụ của nhiều hệ sinh thái đặc trưng phù hợp cho phát triển NTTS như hệ sinh thái cửa sông, rừng ngập mặn, đất ngập nước và hệ sinh thái ven biển, đảo, vũng vịnh.

Nuôi trồng thủy sản ở nước ta đã có sự thay đổi về phương thức và hoạt động tổ chức sản xuất. Chuyển mạnh từ sản xuất mang tính tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa đáp ứng thị trường; từ quy mô hộ gia đình đơn lẻ sang quy mô trang trại, công ty và tổ hợp tác và chuyển từ nuôi các đối tượng truyền thống sang nuôi các đối tượng có giá trị thương mại cao. Bên cạnh đó, hậu cần dịch vụ cho NTTS ngày càng được chú trọng, đặc biệt con giống, thuốc thú y đã được nghiên cứu và áp dụng vào sản xuất có hiệu quả. Nhà máy chế biến các mặt hàng thủy sản được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều, với công nghệ áp dụng tiên tiến đã đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi và cung cấp sản phẩm thủy sản cho các thị trường trên thế giới để thu ngoại tệ cho đất nước; các mặt hàng thủy sản ngày càng được đa dạng hóa, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong và ngoài nước.
Chính vì thế, trong những năm qua NTTS nước ta đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ và đóng góp ngày càng to lớn trong ngành thủy sản nói riêng và kinh tế của đất nước nói chung. Tốc độ tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu bình quân năm 14,72%/năm (giai đoạn 1995-2010). Năm 1995 chỉ đạt 621,4 triệu USD, đến năm 2010 đã đạt 4,94 tỷ USD (tăng gấp gần 8 lần). Về sản lượng thủy sản của cả nước tăng trung bình 9,87%/năm trong giai đoạn 1990-2010, trong đó NTTS tăng trung bình 16,59%/năm, khai thác tăng trung bình 6,54%/năm; cơ cấu sản lượng từ NTTS chiếm từ 18% tổng sản lượng thủy sản toàn quốc năm 1990 đã tăng lên đến 56% năm 2010 (gần 2,8 triệu tấn). Giá trị sản xuất toàn ngành (theo giá thực tế) tăng từ 26.551,5 tỷ đồng năm 2000 lên 145.973 tỷ đồng năm 2010; trong đó giá trị sản xuất từ NTTS đạt 11.813,8 tỷ đồng năm 2000, (chiếm 44,5% tổng giá trị toàn ngành) tăng lên đạt 84.058,4 tỷ đồng năm 2010, chiếm 57,58% tổng giá trị sản xuất.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu to lớn, song nghề NTTS nước ta vẫn còn nhiều tồn tại và đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức mới; nhiều nơi vì chạy theo lợi ích kinh tế đã phát triển tự phát không theo quy hoạch, trong khi đó cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa được đầu tư đầy đủ, đồng bộ; việc áp dụng kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất còn nhiều hạn chế do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật; phát triển theo phong trào diễn ra nhiều nơi dẫn đến tình trạng ứ đọng sản phẩm, đặc biệt vẫn còn tình trạng bị ép giá vào thời điểm thu hoạch; thị trường xuất khẩu đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, rào cản thương mại ngày càng xiết chặt, cạnh tranh rất lớn đối với các nước xuất khẩu cùng mặt hàng,…. Bên cạnh đó, trong sản xuất vẫn tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; công tác quản lý còn nhiều bất cập, chính sách thiếu về số lượng và hiệu lực thi hành chưa cao, chưa kịp thời, lực lượng cán bộ mỏng, năng lực hạn chế, trang thiết bị thiếu…..
Hiệu lực của công tác quy hoạch đối với vấn đề quản lý cũng như triển khai các đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản còn khá khiêm tốn và chưa thực sự phát huy tác dụng. Chất lượng của công tác quy hoạch và thực thi quy hoạch còn nhiều bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn. Bên cạnh đó công tác quản lý và khâu nối từ quy hoạch đến thực hiện chương trình, dự án ở các địa phương gần như bị bỏ ngỏ, không được tổ chức giám sát, đánh giá và điều chỉnh kịp thời.
Để khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng nuôi trồng thủy sản cần thiết phải dựa vào điều kiện tự nhiên của từng vùng, điều kiện kinh tế xã hội của từng khu vực, khả năng đầu tư cho phát triển sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm và đặc biệt là năng lực nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất,… định hướng cơ bản phát triển nuôi trồng thủy sản được xác định như sau:

1. Định hướng chung
1.1. Tiếp tục phát triển nuôi các đối tượng chủ lực tạo nguồn nguyên liệu lớn, có chất lượng cao phục vụ chế biến xuất khẩu; đồng thời phát triển nuôi các đối tượng thủy đặc sản, kinh tế bản địa; duy trì và ổn định nuôi các đối tượng truyền thống để tăng nguồn thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình nông dân, đồng bào miền núi, góp phần thiết thực xóa đói giảm nghèo.
1.2. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hình thức nuôi thâm canh, nuôi công nghiệp, giảm dần diện tích nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến; hình thành các vùng nuôi thâm canh tập trung có quy mô diện tích lớn theo tiêu chuẩn Viet GAP phù hợp với từng thị trường, gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm nuôi thủy sản có uy tín, chất lượng cao.
1.3. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo ra chuyển biến mới phù hợp với các vùng miền trong cả nước.
2. Định hướng theo vùng
2.1. Các tỉnh miền Nam
– Phát triển nuôi cá tra, tôm càng xanh, cá rô phi, các đối tượng bản địa, truyền thống và kinh tế nước ngọt khác.
– Phát triển nuôi tôm sú, tôm chân trắng, các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ, rong biển, các đối tượng bản địa nước lợ, mặn kinh tế khác.
– Phát triển nghiên cứu và sản xuất các giống loài thủy sinh vật cảnh phục tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
– Phát triển nuôi lồng bè khu vực cửa sông, ven biển, ven đảo ở các vũng vịnh.
– Phát triển các cơ sở sản xuất giống thủy sản ở những vùng có điều kiện thuận lợi để cung cấp một phần nhu cầu giống chất lượng cao cho nuôi thương phẩm nhằm hạ giá thành sản phẩm.
2.2. Các tỉnh miền Trung
– Phát triển nuôi, trồng các loài thủy sản kinh tế trên biển, đặc biệt khu vực giữa Biển Đông (quần đảo Trường Sa), vùng triều ven biển, vùng đất cát và các eo vụng, ven đảo. Trong đó, chú trọng nuôi các đối tượng chủ lực như: tôm sú, tôm chân trắng, tôm hùm, cá biển; tăng cường phát triển trồng rong tảo và nhuyễn thể vùng biển ven bờ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Phát triển nghiên cứu và sản xuất các giống loài sinh vật cảnh phục tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
– Phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản cung cấp cho nhu cầu nuôi thương phẩm. Trong đó, tập trung ở các tỉnh khu vực Nam Trung bộ sản xuất giống hải sản có chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước tiến tới xuất khẩu.
2.3. Các tỉnh miền Bắc
– Phát triển nuôi tôm, cá nước lợ ở vùng cao triều ven biển nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi; phát triển nuôi các loài nhuyễn thể, trồng rong biển ở vùng triều thấp, eo vụng và cửa sông; phát triển nuôi trồng thủy sản ở vùng hải đảo và biển mở trong đó ưu tiên các loài cá biển kinh tế.
– Phát triển nuôi cá rô phi đơn tính, các loài cá kinh tế, truyền thống trong vùng Đồng bằng sông Hồng nhằm tạo sản phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa và góp phần xuất khẩu.
– Phát triển nghiên cứu và sản xuất các giống loài sinh vật cảnh phục tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
– Phát triển hệ thống giống thủy sản ở những vùng có điều kiện thuận lợi để sản xuất giống có chất lượng cao, đáp ứng một phần nhu cầu nuôi tại chỗ nhằm hạ giá thành sản phẩm.
2.4. Các tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây nguyên
Phát triển nuôi cá nước lạnh, cá bản địa kinh tế quý hiếm và các đối tượng cá truyền thống khác trên cơ sở tận dụng nguồn nước lạnh, tiềm năng diện tích, nguồn nước tự chảy, hồ chứa và nguồn nhân lực nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định chính trị xã hội.
2.5. Định hướng phát triển theo vùng biển
Phát triển nuôi trồng thủy sản trên 5 vùng biển theo thứ tự ưu tiên: Phát triển nuôi trồng thủy sản khu vực biển ven bờ, eo vịnh, quanh các đảo (ưu tiên các đảo có dân cư sinh sống) và vùng biển mở, biển khơi.
a) Vùng biển Vịnh Bắc bộ (Quảng Ninh – Quảng Trị):
+ Phát triển nuôi ven biển ở các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh – Quảng Trị.
+ Phát triển nuôi biển eo vịnh và ven đảo: Khu vực Bái Tử Long, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Cồn cỏ (Quảng Trị), Hòn Ngư (Nghệ An).
b) Vùng ven biển miền trung (Quảng Bình – Khánh Hòa):
+ Phát triển nuôi thủy sản khu vực biển ven bờ các tỉnh ven biển.
+ Phát triển nuôi biển khu vực eo vịnh các tỉnh từ Quảng Bình – Khánh Hòa.
c) Vùng biển Đông Nam bộ (Ninh Thuận – Cà Mau):
+ Phát triển nuôi thủy sản khu vực biển ven bờ ở các tỉnh ven biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau.
+ Phát triển nuôi ở các eo vịnh, khu vực ven các đảo: Phú Quý, Côn Đảo, Côn Sơn, Hòn Khoai.
d) Vùng biển Tây Nam bộ (Cà Mau – Kiên Giang).
+ Phát triển nuôi thủy sản khu vực biển ven bờ ở các tỉnh ven biển từ Cà Mau (biển Tây) đến Kiên Giang.
+ Phát triển nuôi thủy sản quanh các đảo khu vực Phú Quốc, Kiên Hải.
đ) Vùng giữa Biển Đông
+ Phát triển nuôi thủy sản quanh các cụm đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
3. Định hướng theo đối tượng
3.1. Phát triển một số đối tượng chủ lực
– Đối với nước ngọt: cá tra, cá rô phi, tôm càng xanh, cá truyền thống, cá cảnh nước ngọt.
– Đối với nước mặn, lợ: tôm sú, tôm chân trắng, nhuyễn thể, cá biển, rong biển.
– Đối với nuôi biển: phát triển 4 nhóm đối tượng:
+ Cá biển: Ưu tiên các nuôi các loài cá đã chủ động công nghệ sản xuất giống và hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm (cá song, giò, chẽm,…), từng bước nghiên cứu đưa vào nuôi các đối tượng mới để đa dạng hóa giống loài thủy sản nuôi.
+ Giáp xác: Phát triển nuôi các đối tượng chủ động con giống và công nghệ nuôi, hoặc những đối tượng có giá trị kinh tế đã nuôi hoặc đã thử nghiệm thành công như cua, ghẹ, tôm hùm,….
+ Nhuyễn thể: Phát triển nuôi một số đối tượng chính như ngao (nghêu), hàu, tu hài, ốc hương, bào ngư, ngọc trai,…
+ Rong biển: Phát triển trồng loài chính đó là rong câu và rong sụn.
3.2. Phát triển đối tượng đặc hữu, đặc sản
– Cá tầm, cá chiên, cá lăng.
– Cá chình, cá bỗng, cá rô đồng, cá lóc, cá rô đầu vuông.
– Tu hài, ốc hương, tôm hùm…
3.3. Phát triển nghề nuôi thủy sinh vật cảnh: Phát triển nghề nuôi thủy sinh vật cảnh nước ngọt, lợ và mặn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
4. Định hướng công nghệ
– Ưu tiên áp dụng những công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường như công nghệ nuôi nước xanh, qui trình tuần hoàn nước, nuôi sinh thái, nuôi hữu cơ,…
– Đối với nuôi biển khu vực ven bờ, eo vịnh có thể nuôi lồng, bè gỗ như hiện nay; tuy nhiên khoảng cách lồng bè phải bảo đảm theo tiêu chuẩn để không gây ô nhiễm môi trường.
– Đối với nuôi biển khu vực ven các đảo: sử dụng các loại lồng có khả năng chịu sóng gió (mô hình lồng Na Uy) để giảm các rủi ro từ thiên tai trong quá trình sản xuất.
– Đối với nuôi vùng biển khơi, biển mở: áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến, hệ thống lồng nổi, chìm để thích ứng với điều kiện bão gió. Chỉ phát triển nuôi công nghiệp do tập đoàn, hoặc tổng công ty đầu tư dưới sự bảo trợ của Nhà nước ở giai đoạn đầu.

ThS. Ngô Thị Thanh Hương

Các bài mới

Bài viết liên quan

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *